Cọc khoan nhồi là một loại cọc bê tông cốt thép được đổ tại chỗ trong các lỗ trên nền đất. Việc tạo ra các lỗ khoan này có thể được thực hiện bằng nhiều phương pháp như đào thủ công, hiện đại hơn có thể sử dụng các loại máy khoan hoặc ống thiết bị để tạo lỗ.

Giải pháp thi công cọc khoan nhồi được đánh giá cao bởi sở hữu nhiều ưu điểm mà những loại cọc khác không có, cả về mặt kết cấu và thi công. Tuy nhiên, giải pháp này cũng tồn tại một số nhược điểm như yêu cầu việc khảo sát kỹ càng, quá trình thi công phụ thuộc nhiều vào tình hình thời tiết. 

Về cơ bản, cấu tạo của một cọc khoan nhồi sẽ bao gồm các bộ phận sau:

Cốt thép dọc

Đường kính và số lượng cốt thép dọc sẽ dựa trên yêu cầu và tính toán của bên thiết kế để bố trí. Trong đó đường kính tối thiểu là d12, cọc chịu nén cốt thép dọc có hàm lượng dao động trong khoảng 0.2 – 0.4%. Cọc chịu uốn, chịu kéo, chịu nhổ có hàm lượng thép khoảng từ 0.4 – 0.65%. 

Khoảng cách giữa các cốt thép dọc nhỏ nhất là 10cm. Nếu cọc chịu nén đúng tâm thì chỉ cần bố trí cốt thép đến 1/3 chiều dài ở phía đầu cọc. Tuy nhiên để đảm bảo an toàn, kỹ sư sẽ bố trí 100% thép ở đầu cọc và giảm dần số lượng ở phía chân cọc. Đối với các loại cọc chịu uốn, chịu kéo và chịu nhổ, cần bố trí thép đồng đều trên toàn bộ chiều dài cọc.

Cốt thép đai 

Cốt thép đai có đường kính và khoảng cách linh hoạt tùy thuộc vào yêu cầu trên thiết kế. Đường kính này thường dao động trong khoảng d6-d12 với khoảng cách nhỏ nhất là 200 – 300mm.

Có thể sử dụng cốt thép đai đơn hoặc vòng xoắn liên tục. Nhưng đai vòng xoắn liên tục thường chỉ phù hợp với các loại cọc khoan nhồi có đường kính nhỏ hơn 80cm.

Thép đai tăng cường 

Thép đai tăng cường thường được bố trí trong lồng thép để gia tăng tính chắc chắn và ổn định của lồng. Loại thép đai này có đường kính dao động từ d8-d20, cứ mỗi đoạn 2m sẽ bố trí một đai.

Con kê bảo vệ cốt thép 

Con kê có tác dụng tạo ra lớp bê tông bảo vệ cốt thép. Đối với cọc khoan nhồi, lớp bê tông bảo vệ này có độ dày từ 5 – 7cm, là các con kê bằng xi măng hình tròn có lỗ ở giữa, được bố trí vào cốt thép bằng cách luồn vào trong quá trình lắp đặt thép đai. 

Ống thăm dò 

Số lượng ống thăm dò cần cho công trình sẽ phù thuộc vào tiết diện cọc khoan nhồi. Nếu đường kính cọc <1m, thường sẽ cần đến 3 ống thăm dò, còn đường kính cọc trong khoảng 1-1.3m sẽ dùng 4 ống, đường kính >1.3m sẽ cần đến 5 ống trở lên.

Ống thăm dò sẽ có chất liệu nhựa hoặc thép. Riêng đối với cọc khoan nhồi có đường kính > 1.5m hoặc chiều dài lớn hơn 25m, cần phải sử dụng ống thăm dò bằng thép. Các ống này được hàn trực tiếp vào vành đai thép hoặc gắn vào bằng các thanh thép hàn kẹp. Riêng đối với ống thăm dò có đường kính 114m phải đặt cao hơn chân lồng thép 1m và không được trùng vào vị trí cốt thép chủ. 

Cần lưu ý vị trí gắn ống thăm dò vào các mối nối trên lồng cốt thép phải đúng thiết kế để đảm bảo độ chắc chắn của ống. Số lượng ống được đặt tối thiểu là 50% tổng số lượng cọc để tránh tình trạng bê tông đất đá làm tắc. Đầu dưới ống thăm dò cần được bịt kín, đầu trên có nắp đậy. 

Móc treo 

Bố trí móc treo sao cho khi cẩu lồng cốt thép lên sẽ không bị biến dạng quá nhiều. Móc treo phải được làm từ cốt thép chuyên dụng và vị trí móc được gia công theo đúng thiết kế đã tính trước.

Để thuận tiện cho quá trình cẩu lắp, lồng cốt thép được sản xuất thành từng đoạn, sau đó các đoạn được tổ hợp lại với nhau khi hạ lồng vào hố khoan. Thép chủ của lồng thép được nối với nhau bằng 50% cóc nối và 50% nối buộc.

Ban truyền thông!

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

Hotline: +84983838368